46% doanh nghiệp không biết dùng email để làm gì


Theo thống kê mới nhất của Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), cả nước hiện có 520.000 doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh. Thế nhưng tình hình ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp chỉ ở mức trung bình.

Còn quá ít doanh nghiệp VN chú trọng ứng dụng CNTT

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy có tới 46% số lượng doanh nghiệp cho rằng không biết sử dụng thư điện tử để làm gì, chỉ có 19% doanh nghiệp có website.

Khảo sát về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các tỉnh tham gia Đề án 191 cho thấy 58% các doanh nghiệp sử dụng kết nối mạng nội bộ, 90% sử dụng Internet nhưng đa số các doanh nghiệp sử dụng Internet để tra cứu thông tin, 50% doanh nghiệp có ban lãnh đạo sử dụng kết nối mạng nội bộ, 2/3 sử dụng các phần mềm soạn thảo văn bản, phần mềm kế toán để hỗ trợ sản xuất kinh doanh...

Trong đó, việc sử dụng các dịch vụ CNTT và ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp còn rất thấp, có đến 85% không có nhu cầu và chưa có thói quen sử dụng tư vấn CNTT.

Mới chỉ có phân nửa số doanh nghiệp có website riêng nhưng lại chủ yếu để quảng bá hình ảnh, sản phẩm mà chưa tận dụng các lợi ích khác như hỗ trợ đặt hàng, mua hàng, tư vấn, thanh toán trực tuyến…

Theo ông Lê Văn Lợi - viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp VCCI, việc doanh nghiệp còn “lơ là” ứng dụng CNTT có những nguyên nhân sau:

    Xem CNTT quá phức tạp và quan trọng hóa việc ứng dụng CNTT: đa số các doanh nghiệp của Việt Nam là vừa và nhỏ, nhưng số đông thường tự tổ chức với quy mô hạn chế để có thể kiểm soát bằng nhân công, bởi thực tế họ không đủ khả năng kiểm soát máy tính. Ở doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì đa số cho rằng chưa hội đủ điều kiện con người, vật chất để ứng dụng CNTT.
    Xem CNTT như một khoản tiêu tốn không kiểm soát được, xem trang bị CNTT như chi phí quản lí mà chưa coi là khoản đầu tư; nhiều doanh nghiệp đưa ra lí do chi phí cao, khó quản trị, mắc nhiều lỗi về bảo mật, rủi ro... Đặc biệt, có doanh nghiệp e ngại bị phụ thuộc vào nhân viên CNTT. Một số ít doanh nghiệp có quy mô lớn thì lại cho rằng nhân lực CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí có doanh nghiệp kiếm được người thì sau đó lại mất người vì nơi khác trả lương cao hơn nên rất bị động và lệ thuộc.
    Tiếp cận quá nhiều thông tin đa chiều về ứng dụng CNTT, từ đó mất định hướng áp dụng cho đơn vị mình; mất lòng tin vào các đơn vị CNTT do nghe nhiều đến thất bại...

VN đứng 3 thế giới về sử dụng phần mềm lậu, bẻ khóa

Kết quả khảo sát năm 2010 của Liên minh Phần mềm DN BSA về tỉ lệ sử dụng phần mềm lậu, bẻ khóa của VN là 76%, đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc (86%) và Nigeria (81%).

Thông tin trên được ông Vũ Bá Phú, phó cục trưởng Cục Quản lí cạnh tranh, Bộ Công thương, đưa ra tại hội thảo “Quản trị tài sản phần mềm và tăng cường năng lực cạnh tranh cho các DN VN” tháng 10 vừa qua.

Theo ông Phú, tình trạng vi phạm bản quyền tại VN hiện nay như một vấn nạn đã trở nên "chuyện thường ngày ở huyện”. Ông Phú cho biết ngày 3-10-2011, Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phát hiện nhiều phần mềm vi phạm bản quyền tại bốn doanh nghiệp ở Hà Nội, TP. HCM và Hải Phòng.

Các doanh nghiệp này đã sử dụng hơn 700 sản phẩm phần mềm không có bản quyền trong hoạt động kinh doanh, bao gồm cả các sản phẩm được phát triển bởi các công ty phần mềm Việt Nam như Adobe, Autodesk, Corel, Lạc Việt, Microsoft, Symantec và Tekla. Cả bốn công ty bị thanh tra đều là các doanh nghiệp lớn, thậm chí có vốn điều lệ hơn 200 tỉ đồng, hoàn toàn có đủ khả năng để mua các phần mềm có bản quyền chính hãng... Tổng trị giá phần mềm vi phạm lên đến gần 1 triệu USD.
 

Theo Tuổi Trẻ Online
 




Trở về

 

Powered by: